Huyện Ba Tri (Bến Tre): Lịch sử hình thành, vị trí địa lý và đơn vị hành chánh

1. Lịch sử hình thành
Vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, vùng đất Ba Tri vẫn còn hoang vắng. Đầu thế kỷ XVIII, một số cư dân người Việt gốc miền Trung đã đến đây định cư, làm nghề biển và khai phá đất đai.

Ban đầu, cù lao Bảo thuộc tổng Tân An, châu Định Viễn, dinh Phiên Trấn. Thời Gia Long, cù lao Bảo được đặt là tổng An Bảo. Năm 1808, tổng An Bảo gồm 63 làng. Đến triều Minh Mạng (1832), tổng An Bảo được thăng lên huyện với tên mới là Bảo An. Đến năm 1837, huyện Bảo An được chia thành hai huyện: Bảo An và Bảo Hựu. Huyện Bảo An (mới) nằm ở phía Đông cù lao Bảo, có diện tích gần tương đương với huyện Ba Tri ngày nay.

Đầu thời Pháp thuộc, Ba Tri là đại lý hành chính ở tỉnh Bến Tre. Sau là xã ở tổng Ba Tri, huyện Kiến Hòa, tỉnh Gia Định. Năm 1912, Ba Tri là quận của tỉnh Bến Tre, gồm có 5 tổng là: Bảo An với 4 làng, Bảo Lộc với 6 làng, Bảo Thuận với 6 làng, Bảo Trị với 5 làng.

Sau năm 1956, quận Ba Tri thuộc tỉnh Kiến Hòa, gồm 3 tổng và 15 xã. Ngày 2 tháng 7 năm 1967, quận Ba Tri nhận thêm xã An Ngãi Tây tách ra từ quận Giồng Trôm.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Ba Tri là huyện của tỉnh Bến Tre, gồm thị trấn Ba Tri và 17 xã: An Bình Tây, An Đức, An Hiệp, An Hòa Tây, An Ngãi Tây, An Ngãi Trung, Bảo Thạnh, Mỹ Chánh Hòa, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy, Tân Hưng, Tân Thủy, Tân Xuân, Vĩnh Hòa.

Ngày 14 tháng 3 năm 1984, chia xã Tân Thủy thành hai xã lấy tên là xã Tân Thủy và xã An Thủy.

Ngày 16 tháng 4 năm 1985, địa giới hành chính huyện Ba Tri có một số điều chỉnh như sau:
  • Chia xã Bảo Thạnh thành hai xã lấy tên là xã Bảo Thuận và xã Bảo Thạnh.
  • Chia xã Mỹ Chánh Hòa thành hai xã lấy tên là xã Mỹ Chánh và xã Mỹ Hòa.
  • Chia xã An Ngãi Trung thành hai xã lấy tên là xã An Ngãi Trung và An Phú Trung.
  • Thành lập xã Vĩnh An trên cơ sở tách ấp Vĩnh Đức Trung của xã Vĩnh Hòa và các ấp An Nhơn, An Quới của xã An Hòa Tây.
Ngày 18 tháng 10 năm 2000, thành lập xã Tân Mỹ trên cơ sở 1.064,58 ha diện tích tự nhiên và 2.675 nhân khẩu của xã Mỹ Hòa, 171,09 ha diện tích tự nhiên và 1.693 nhân khẩu của xã Tân Xuân.

Ngày 20 tháng 1 năm 2016, Bộ Xây dựng ban hành quyết định công nhận thị trấn Ba Tri đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Ngày 1 tháng 2 năm 2020, sáp nhập xã Phú Ngãi và xã Phước Tuy thành xã Phước Ngãi.

Huyện Ba Tri có 1 thị trấn và 22 xã như hiện nay.

2. Vị trí địa lý
Huyện Ba Tri nằm ở phía cuối cù lao Bảo, có vị trí địa lý:
  • Phía đông bắc giáp huyện Bình Đại với ranh giới tự nhiên là sông Ba Lai
  • Phía tây bắc giáp huyện Giồng Trôm
  • Phía tây nam giáp huyện Thạnh Phú với ranh giới tự nhiên là sông Hàm Luông
  • Phía đông nam giáp Biển Đông (chiều dài đường bờ biển gần 10 km).
Do vị trí nằm giữa hai cửa sông lớn, huyện Ba Tri là điểm định cư sớm nhất của những lưu dân người Việt trên đất Bến Tre. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, huyện Ba Tri có 1 thị trấn vầ 22 xã.

Huyện có diện tích 354,80 km², dân số năm 2019 là 184.730 người (đông nhất tỉnh Bến Tre), mật độ dân số đạt 521 người/km². Huyện lỵ là thị trấn Ba Tri nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 36 km về phía đông nam.

3. Đơn vị hành chánh
Huyện Ba Tri có 23 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Ba Tri (huyện lỵ) và 22 xã: An Bình Tây, An Đức, An Hiệp, An Hòa Tây, An Ngãi Tây, An Ngãi Trung, An Phú Trung, An Thủy, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Nhơn, Mỹ Thạnh, Phú Lễ, Phước Ngãi, Tân Hưng, Tân Mỹ, Tân Thủy, Tân Xuân, Vĩnh An, Vĩnh Hòa.

4. Kinh tế
Vốn do phù sa của hai con sông Ba Lai và Hàm Luông bồi tụ nên, lại nằm sát biển, đất đai Ba Tri gồm những đồng ruộng, xen kẽ những con giồng, không có vườn tược trù phú như các huyện phía Tây. Ngoài nghề trồng lúa và nghề làm giồng, làm muối, đánh bắt hải sản, trước năm 1945, nhân dân Ba Tri còn có nghề ươm tơ, dệt lụa. Lụa Ba Tri đã từng nổi tiếng trên thị trường Nam Kỳ. Do chiến tranh, nghề này đã bị mai một dần và cho đến nay chưa đủ điều kiện để phục hồi.

5. Nhân vật lịch sử
Xã An Đức là nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Xã Bảo Thạnh là quê hương của Phan Thanh Giản (vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ), đồng thời còn là nơi an nghỉ của nhà giáo Võ Trường Toản.

Cũng tại nơi đây, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác và đọc bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trước đông đảo quần chúng nhân dân. Ngoài ra, không thể không nhắc tới Thái Hữu Kiểm, người mang theo câu chuyện ông già Ba Tri trong dân gian.
>