Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri,
tỉnh Bến Tre, từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh và là niềm tự hào
của người dân Bến Tre với nhà thơ yêu nước, người thầy giáo mẫu mực, đức độ,
người thầy thuốc có tâm, có tài.
Đây là một quần thế kiến trúc bề thế tọa lạc trong khuôn viên có diện tích
hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng
vào năm 1972.Công trình bao gồm: cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền
thờ cũ và khu mộ.
Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các
đình chùa Việt Nam với hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ
gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu
ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ
son.
Nhà bia được xây dựng kiên cố cách đây không lâu với kiến trúc truyền thống,
cao 12m, hai tầng mái. Tường ngoài trang trí hoa văn hoa lá cách điệu, tường
trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Giữa lòng nhà
là tấm bia bằng đá có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt trước bia là bài
văn ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu và mặt sau tóm tắt tiểu sử của
ông.
Nhà bia |
Mặt trước bia |
Phía sau bia |
Đền thờ mới được xây dựng năm 2000 – 2002 theo mẫu kiến trúc trùng thiềm
điệp ốc. Đền có chiều cao 21m, chất liệu bê – tông cốt thép nhưng mái là
ngói âm dương và trang trí trên tường hoàn toàn là hoa văn truyền thống với
những điểm nhấn thể hiện sự thanh cao, trong sáng của nhà thơ yêu nước.
Đền thờ |
Kiến trúc trùng thiềm điệp ốc ấn tượng |
Đền thờ có hai tầng. Tầng dưới là nơi trưng bày hình ảnh các vị lãnh đạo,
đoàn khách quốc tế, nhân dân cả nước đến viếng và thắp hương. Tầng trên là
chân dung nhà thơ, được đúc bằng đồng, cao 1,6m, nặng 1,2 tấn. Trên 4 cột
trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ, chạm trổ hoa văn tinh xảo, trong đó có hai câu
thơ của ông trong tác phẩm Dương Từ – Hà Mậu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền
không thẳm /Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Bên cạnh đó là đôi câu đối của
nhân dân ca tụng ông: “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ
rạng ánh sao khuê”.
Tượng chân dung nhà thơ |
Hai bên tượng thờ là hai mảng phù điêu, miêu tả hình ảnh Nguyễn Đình Chiểu
đọc bài văn tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong tại chợ Đập (Ba Tri) năm 1883 và
hình ảnh trận đánh đầu tiên của người giáo làng Phan Ngọc Tòng lãnh đạo
nghĩa quân với vũ khí thô sơ chiến đấu với Pháp ở Giồng Gạch (An Hiệp) khi
chúng hành quân lấn chiếm vùng đất Ba Tri vào đêm 17-11-1868.
Đền thờ cũ được xây dựng năm 1972 với kiến trúc hai tầng mái, lợp ngói âm
dương, với tổng diện tích 84m2. Bờ nóc đền thờ trang trí hoa văn rồng, mây
cách điệu. Bên trong là ban thờ. Hai cột chính đắp nổi hai câu thơ như ở đền
mới, trong tác phẩm Dương Tử – Hà Mậu. Ngoài ra là những hình ảnh, tư liệu
về các thủ lĩnh, nghĩa quân và một số phong trào chống Pháp của nhân dân Nam
Kỳ cuối thế kỷ 19.
Đền thờ cũ |
Bên trái nhà tưởng niệm là phần mộ của cụ Đồ với phu nhân. Gần bên đó là nơi
yên nghỉ của nữ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Ánh) con gái của nhà
thơ, bà là một trong những nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng. Chủ bút tờ báo
phụ nữ đầu tiên của Việt Nam, đó là tờ Nữ giới chung.
Phần mộ |
Các công trình của khu di tích được bố trí hài hòa trong một không gian xanh
với những khoảng sân vườn rộng trồng nhiều loại cây cảnh, đem lại cảm giác
thư thái cho người thăm viếng.
Du lịch Bến Tre đến thăm khu lăng mộ Nguyển Đình Chiểu nghe kể lại những câu
chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và ngâm nga câu thơ của cụ Đồ Chiểu, không ít
du khách lại có cảm giác bâng khuâng, tựa hồ nghe tiếng lòng nặng tình non
nước của bậc tiền nhân tài đức ngàn xưa vọng về.
Nhắc đến cụ Đồ Chiểu, người yêu văn thơ nhớ ngay đến một hiện tượng của văn
học Việt Nam ở thế kỷ 19, một trong những người khai mở dòng văn học yêu
nước, đồng thời đánh dấu bước phát triển quan trọng của văn hóa nói chung và
văn học thành văn nói riêng ở Nam Kỳ lục tỉnh.
Hình ảnh và tư liệu về cụ Nguyễn Đình Chiểu |
Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822, tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương,
tỉnh Gia Định) nay thuộc phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM. Ông thi đỗ tú tài
năm 1843. Đến năm 1849 đang ở Huế chờ khoa thi Hội, được tin mẹ mất ông về
chịu tang. Vì khóc thương mẹ nên 2 mắt bị mù. Sau đó ông mở trường dạy học,
làm thuốc và sáng tác thơ văn.
Năm 1859 khi giặc Pháp chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu về quê vợ ở
Cần Giuộc, tỉnh Long An. Tại đây Nguyễn Đình Chiểu viết bài Văn tế nghĩa sĩ
Cần Giuộc nổi tiếng, thống thiết ca ngợi tinh thần anh dũng hy sinh vì Tổ
quốc của những người nông dân bình thường.
Năm 1862, ông dời về ở làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là
huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc
chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu
yêu nước. Tại đây trước mọi thủ đoạn mua chuộc ông vẫn cương quyết không hợp
tác với giặc, tiếp tục dùng thơ văn làm vũ khí góp phần động viên cổ vũ nhân
dân chống giặc. Ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (tức ngày 3/7/1888), Nguyễn Đình
Chiểu qua đời, nhân dân Ba Tri cùng với bạn bè, học trò, con cháu đến tiễn
đưa ông rất đông.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà
Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định, … Quả thực, những tác
phẩm của ông không chỉ ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống mãnh liệt trong lòng
nhân dân ở thời kỳ ấy mà còn lưu dấu cho tới tận bây giờ. Chính sự tài năng
và ý chí vươn lên, ông đã trở thành một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần
yêu nước và nghĩa khí của người dân Nam Bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói
chung. Bằng ngòi bút sắc bén, những áng thơ văn của ông tố cáo tội ác của
giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, ca ngợi các cuộc khởi
nghĩa của nghĩa quân, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân.
Du khách đến tham quan khu di tích |
Năm 1990, khu lăng mộ của ông đã được nhà nước công nhận là khu di tích lịch
sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, Khu di tích này tiếp tục được Bộ
VH-TT&DL cấp Bằng công nhận Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia
đặc biệt.
Tuy không sinh ra ở Bến Tre nhưng đã dành phần lớn cuộc đời sống và lao động
nghệ thuật tại mảnh đất này, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã tạo được sự ảnh
hưởng, tình yêu thương, sự kính trọng của người dân nơi đây. Hàng năm vào
ngày 1.7, ngày sinh của cụ, đã trở thành ngày hội truyền thống văn hóa của
người Bến Tre để tưởng nhớ nhà thơ yêu nước bậc nhất của Nam Bộ. Lễ hội với
nhiều chương trình phong phú như: lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân
Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, trích đoạn cải lương Lục
Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co,
nhảy bao bố, đập niêu… Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân
tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những
giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà
thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để du khách đến vui chơi,
giải trí, tìm hiểu văn hóa và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền
nhân.